Hội thảo vai trò của chi trả dịch vụ môi trường rừng trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả của covid – 19 tại Sơn La, Việt Nam

27 tháng 9, 2021
Sáng ngày 08/9/2021, Trường Đại học Lâm nghiệp cùng với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức buổi hội thảo trực tuyến về Vai trò của chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả của COVID-19 tại Mộc Châu, Sơn La, Việt Nam. Dự án nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ nghiên cứu toàn cầu của CGIAR Gender Platform và the CGIAR Research Program on Forests, Trees and Agroforestry (FTA)

Tham dự hội thảo gồm có hơn 70 đại biểu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, nhà quản lý ở trung ương và địa phương, các tổ chức dân sự xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí. Về phía trường Đại học Lâm nghiệp có PGS.TS. Bùi Thế Đồi – Phó hiệu trưởng, GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Lâm học. Phía đối tác đồng tổ chức có sự tham gia của Ông Lê Mạnh Thắng – Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Sơn La và TS. Phạm Thu Thủy – Nhà khoa học cấp cao toàn cầu của CIFOR.

Phát biểu khai mạc hội thảo PGS. TS. Bùi Thế Đồi nhấn mạnh ảnh hưởng của PFES đối với người dân khu vực được hưởng chính sách, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới xã hội và vai trò của PFES trong việc khắc phục khó khăn trong tình hình dịch bệnh vừa qua.

PGS. TS. Bùi Thế Đồi – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo gồm có 2 phần: Phần 1 gồm có 3 bài báo cáo của các diễn giả và phần 2 là thảo luận của các đại biểu tham dự hội thảo.

GS.TS. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế điều phối hội thảo

Ông Lê Mạnh Thắng – Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Sơn La đã trình bày về tổng quan về chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Sơn La, trong đó nhấn mạnh chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động lớn đến nhận thức của người dân cụ thể hơn trong việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và hỗ trợ thành lập mới được 1.860 tổ đội bảo vệ rừng. Nhờ có PFES, số lượng các vụ vi phạm lâm nghiệp giảm đáng kể đồng thời giúp tỉnh Sơn La nâng độ che phủ rừng từ từ 40% năm 2008 lên 45,4% năm 2020.  PFES đã trở thành nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước. Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát Triển Rừng Sơn La đã Chi trả cho 43.000 chủ rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó phần lớn là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo.  PFES cũng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống người làm nghề rừng.

Ông Lê Mạnh Thắng – Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Sơn La trình bày báo cáo

Bài trình bày thứ 2, TS. Dương Thị Bích Ngọc – giảng viên Đại học Lâm nghiệp cung cấp ghi nhận  cụ thể về ảnh hưởng của COVID -19 đến người dân, đặc biệt là phụ nữ, tại Mộc Châu Sơn La,  Mộc Châu, Sơn La; đồng thời đưa ra kiến nghị chính sách để PFES và các chính sách lâm nghiệp khác đạt được hiệu quả cao hơn cho các mục tiêu xã hội, bao gồm cân bằng giới và cải thiện đời sống người dân?

TS. Dương Thị Bích Ngọc trình bày nghiên cứu

Bài trình bày thứ 3 thảo luận về Vai trò của PFES trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả của COVID -19 tại Mộc Châu, Sơn La do TS. Phạm Thu Thủy – Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) trình bày. Kết quả nghiên cứu cho thấy COVID đã đem đến cả tác động tích cực và tiêu cực đối với môi trường, kinh tế và xã hội tại Mộc Châu và Sơn La. Các tác động ngắn hạn và dài hạn của COVID và vai trò của PFES trong việc hỗ trợ người dân cần được ghi nhận đầy đủ và tiếp tục phân tích bằng nhiều nghiên cứu hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, với các kết quả nghiên cứu hiện có, nghiên cứu chỉ ra rằng PFES đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân tại Mộc Châu Sơn La trong giai đoạn COVID. Với nguồn chi trả từ PFES, các hộ gia đình có thể có nguồn tài chính trang trải nhu yếu phẩm hàng này, đảm bảo một phần chi phí học tập cho học sinh, giúp đỡ các hộ gia đình tái đầu tư vào nông nghiệp. PFES cũng được coi là một trong những yếu tố quan trọng để người dân có thể tiếp cận với vốn vay như một hình thức đảm bảo. PFES đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ, khi họ là người chịu trách nhiệm chính trong các chi tiêu hàng ngày. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác động và vai trò của PFES trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả PFES phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: mức chi trả PFES, diện tích rừng hộ dân quản lí, sự đa dạng trong sinh kế của người dân, vị trí địa lí của thôn bản, và cơ chế quản lí tài chính và chia sẻ lợi ích của cộng đồng và người dân.

TS. Phạm Thu Thủy – Chuyên gia cấp cao toàn cẩu của  CIFOR trình bày nghiên cứu

Tại phiên thảo luận các đại biểu đã trao đổi và đóng góp về hướng nghiên cứu mới này của các diễn giả. Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các báo cáo, những ảnh hưởng tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới việc quản lý bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là những điểm mới của nghiên cứu khi gắn kết với thực tế ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới người dân và vai trò của PFES trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả của COVID -19.

Tài liệu Hội thảo được đính kèm

Le-Manh-Thang-Overview-on-Son-La-PFESTải xuống

DUONG-NGOC-IMPACT-COVID-19-VNTải xuống

THUY-PFES-in-addressing-COVID-impactsTải xuống

 


Chia sẻ