Hội thảo quốc tế Quản lý rừng bền vững và thay đổi sử dụng đất – Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ và Việt Nam

7 tháng 10, 2021
Sáng ngày 06/10/2021, Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) cùng với Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Lafayette và Đại học Ohio State, Hoa kỳ phối hợp tổ chức buổi Hội thảo quốc tế trực tuyến về quản lý rừng bền vững và chuyển đổi sử dụng đất – Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ và Việt Nam. Hội thảo do Ông. Hoàng Văn Sâm – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, VNUF và Bà. Phạm Thu Thủy – Nhà khoa học cấp cao toàn cầu của CIFOR đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương, các tổ chức dân sự xã hội.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về chính sách và bài học kinh nghiệm về Quản lý rừng bền vững và thay đổi sử dụng đất ở Hoa Kỳ và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Ông. Hoàng Văn Sâm nhấn mạnh vai trò của rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái, đồng thời nêu lên những thách thức như biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên và thay đổi sử dụng đất không bền vững, cũng như tầm quan trọng trong việc hợp tác nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam nói riêng.

Chương trình Hội thảo gồm có 6 bài trình bày về các nghiên cứu và phiên thảo luận trong đó có 3 báo cáo được trình bày bởi các nhà nghiên cứu Mỹ: 1. Ms. Darla K. Munroe – Ohio State University trình bày về Các quỹ đạo thay đổi trong các cộng đồng nông thôn có rừng ở Bắc Mỹ; 2. Mr. Caleb Gallemore – Lafayette College có bài trình bày về Các nỗ lực bảo tồn rừng thành công của Việt Nam dựa vào sự phối hợp của các địa phương trong các công cụ chính sách bảo tồn; 3. Mr. Matt Hamilton – Ohio State University trình bày về Sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội – sinh thái trong hệ thống quản trị rừng: Ứng dụng các công cụ và quan điểm mạng lưới phân tích.

Ms. Darla K. Munroe – Ohio State University nhấn mạnh việc kết nối các bên và các hoạt động chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu

Mr. Caleb Gallemore – Lafayette College nhấn mạnh việc thực hiện PFES sẽ có tác động rất tích cực đến việc giảm suy thoái rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Mr. Matt Hamilton – Ohio State University giải thích về các mỗi tương quan trong các hoạt động thủy văn với xã hội

Phía Việt Nam gồm 3 báo cáo nghiên cứu: 1. Ông Đỗ Quang Tùng – Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Việt Nam có bài trình bày về Công ước quốc tế và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam; 2. Ông. Nguyễn Hải Hòa – VNUF trình bày nghiên cứu về Đánh giá và dự đoán trữ lượng các-bon và hấp thụ các-bon trong rừng ngập mặn: dựa trên các-bon để thực hiện C-PFES, REDD + và giảm thiểu biến đổi khí hậu. 3. Ông. Bùi Xuân Dũng – VNUF có trình bày về Hiệu quả môi trường của rừng trồng sản xuất và một số câu hỏi đối với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Việt Nam.

Ông. Đỗ Quang Tùng – MARD đại diện trình bày nghiên cứu

Ông. Nguyễn Hải Hòa – VNUF trình bày nghiên cứu

Ông. Bùi Xuân Dũng – VNUF trình bày nghiên cứu

 

Tại phiên thảo luận các đại biểu đã trao đổi và đóng góp ý kiến cho các báo cáo khoa học. Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và và giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thay mặt Ban tổ chức ông. Hoàng Văn Sâm cảm ơn các diễn giả đã có những nghiên cứu rất chất lượng về PFES, cảm ơn quý vị đại biểu đã tham dự và đóng góp ý kiến quan trọng cho sự thành công của Hội thảo, cảm ơn các Nhà tài trợ đã hỗ trợ cho các nghiên cứu và tổ chức Hội thảo.

 


Chia sẻ