Hội thảo Quốc tế Linh trưởng Châu Á sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam

11 tháng 11, 2022
Hội thảo Linh trưởng lớn nhất châu Á sẽ được tổ chức tại trường Đại học Lâm nghiệp, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, các nhà khoa học, trong đó có 90 đại biểu quốc tế tới từ hơn 20 quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với tổ chức Three Monkeys Wildlife Conservancy tổ chức Hội thảo Quốc tế "Linh trưởng châu Á lần thứ 8". Hội thảo Linh trưởng Châu Á lần đầu tiên vào năm 2002, tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan. Hội thảo là nơi để các chuyên gia và các bên liên quan trong lĩnh vực bảo tồn chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, thách thức và giải pháp, phát kiến mới cũng như phát triển công tác bảo tồn nói chung. Ngoài ra, Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà bảo tồn và chuyên gia thúc đẩy sự hợp tác, kết nối, và có những cơ hội cùng phát triển dự án nghiên cứu, cùng tìm các nguồn tài trợ cho tương lai.

Hình ảnh Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 7 được tổ chức tại Đại học Gauhati ở Bang Assam, Ấn Độ từ ngày 08 đến 10 tháng 02 năm 2020.

Linh trưởng là một nhóm loài với sự đa dạng tuyệt vời khi có đến 522 loài được ghi nhận trên thế giới. Châu Á là một châu lục đóng góp đến 20% tổng số linh trưởng của thế giới khi sở hữu 119 loài. Tuy nhiên, những hoạt động không bền vững ngày một gia tăng của con người đang đe dọa rất lớn đến sự tuyệt chủng của các loài linh trưởng châu Á.

Việt Nam là nhà của 24 loài linh trưởng và là nơi có số loài linh trưởng nhiều nhất trong các quốc gia Đông Nam Á nằm trong khu vực đất liền. Tuy nhiên, 90% tổng số loài linh trưởng của Việt Nam đang ở mức nguy cấp và vô cùng nguy cấp khi đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, điều đó cũng làm ảnh hưởng tới sự đa dạng sinh học của toàn thế giới. Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên. Chính phủ Việt Nam đang ngày càng tăng cường đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có các loài linh trưởng. Đã có rất nhiều Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn, Trung tâm cứu hộ được lập ra để cứu hộ, cũng như bảo vệ nghiêm ngặt sinh cảnh và môi trường sống của một số quần thể linh trưởng đặc biệt như Voọc Cát Bà, Voọc Mông trắng ... Cùng với nỗ lực của chính phủ và các cơ quan trong nước, là sự chung tay của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng.

Voọc bạc Đông Dương (Trachypithecus germani caudalis). Tác giả: PGS.TS. Đồng Thanh Hải, Trường Đại học Lâm nghiệp.

Trường Đại học Lâm nghiệp  rất vinh dự được lựa chọn là nơi tổ chức Hội thảo Linh trưởng châu Á lần thứ 8. Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội thảo sẽ bao gồm nhiều các nội dung chuyên môn: Thuyết trình các nghiên cứu, ý tưởng, kinh nghiệm đến từ các chuyên gia về công tác bảo tồn các loài linh trưởng châu Á; đi thực địa tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long; Triển lãm ảnh về sự đa dạng linh trưởng tại Việt Nam; và các hoạt động bên lề nhằm tăng cường kết nối, hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức đại biểu tham dự Hội thảo nhằm thúc đẩy tính hiệu quả và sự phát triển công tác bảo tồn linh trưởng châu Á.

 


Chia sẻ