Thắt chặt hợp tác chiến lược với Hàn Quốc trong lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường

15 tháng 5, 2025
Từ ngày 6 đến 10 tháng 5 năm 2025, đoàn công tác của Trường Đại học Lâm nghiệp do GS.TS.NGƯT. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Nhà trường – dẫn đầu, đã có chuyến làm việc tại Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, phát triển các sáng kiến chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển hạ tầng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường. Tham gia đoàn công tác còn có TS. Lee Yeong Joo – Giám đốc Văn phòng vùng của AFoCO, và TS. Lee Jeongho – Cố vấn trưởng Dự án KFS tại Việt Nam.

Làm việc với Bộ Lâm nghiệp và các đối tác Hàn Quốc

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã có các buổi làm việc chuyên sâu và hiệu quả với:
TS. Park Chongho – Tổng Giám đốc Cơ quan Hợp tác Lâm nghiệp châu Á (AFoCO); Ông Nam Song Hee – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc; Lãnh đạo Trung tâm Viễn thám Quốc gia Hàn Quốc; Ban giám đốc Vườn Thực vật Quốc gia Sejong, Vườn Thực vật Namsan Seoul; chuyên gia thiết kế cảnh quan nổi tiếng – TS. Yun Ho Jun và GS. Byung Bae Park (Đại học Chung Nam).

Làm việc với Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc

Tại các buổi làm việc, các bên đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác trọng điểm, trong đó đáng chú ý là kế hoạch: Thành lập Trung tâm Viễn thám tại Việt Nam; Hợp tác trong các chương trình REDD+, tín chỉ carbon lâm nghiệp; Đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp.

Đẩy mạnh các dự án chiến lược: Vườn hữu nghị ASEAN – Hàn Quốc và phát triển tre luồng

Tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc AFoCO, GS.TS. Phạm Văn Điển đã trao đổi về tiến trình thực hiện Dự án Xây dựng Vườn Hữu nghị ASEAN – Hàn Quốc đang được triển khai tại khuôn viên của Trường.

Tổng giám đốc AFoCO – TS Park Chongho tiếp và làm việc với đoàn công tác

Hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác lâu dài, đồng thời thảo luận thêm về các sáng kiến mở rộng, bao gồm cả dự án phát triển vùng nguyên liệu tre luồng tại khu vực miền Bắc và Trung Bộ Việt Nam.

TS. Park Chongho khẳng định: "AFoCO luôn ủng hộ các dự án của Việt Nam nói chung và Trường Đại học Lâm nghiệp nói riêng. Mong muốn Nhà trường sẽ triển khai dự án hiện tại đúng tiến độ, hiệu quả và có tính lan tỏa cao."

Chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở AFoCO

Tối ưu thiết kế Vườn Hữu nghị và học hỏi mô hình thực tiễn

Làm việc với TS. Yun Ho Jun – chuyên gia thiết kế vườn thực vật, hai bên đã trao đổi chi tiết về phương án thiết kế cảnh quan Vườn Hữu nghị ASEAN – Hàn Quốc, với định hướng tôn vinh bản sắc kiến trúc của Việt Nam và Hàn Quốc trong một tổng thể hài hòa và sinh động.

PGS.TS. Đặng Văn Hà trình bày phương án thiết kế vườn Hữu nghị ASEAN – Hàn Quốc

Song song với các cuộc họp chuyên môn, đoàn công tác cũng đã đến tham quan và làm việc với lãnh đạo Vườn Thực vật Quốc gia Sejong, Vườn Namsan Seoul và Công viên Văn hóa – Lịch sử Seoul, qua đó học hỏi nhiều kinh nghiệm về quy hoạch, vận hành và thiết kế cảnh quan sinh thái – văn hóa.

Làm việc với lãnh đạo Vườn thực vật quốc gia Sejong

Mở ra cơ hội mới cho lâm nghiệp Việt Nam

Chuyến công tác đã thành công tốt đẹp, không chỉ góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, mà còn mở ra nhiều triển vọng chiến lược mới trong các lĩnh vực đào tạo quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xu thế hội nhập toàn cầu.

Một số hình ảnh của chuyến công tác

Chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở AFoCO và Trung tâm Viễn thám Quốc gia Hàn Quốc

Hiệu trưởng Phạm Văn Điển trao quà lưu niệm cùng Vụ trưởng vụ HTQT, Bộ Lâm nghiệp Hàn Quốc

Hiệu trưởng Phạm Văn Điển trao quà lưu niệm cùng Chủ tịch vườn thực vật quốc gia Sejong – ông Chang Ho Shin

GS Hoàng Văn Sâm tặng sách Rừng ngập mặn đồng bằng sông Hồng cho Vụ trưởng vụ HTQT – Ông Nam Song Hee (người viết lời tựa cuốn sách)

Thăm quan học tập kinh nghiệm tại Công viên văn hóa, lịch sử Seoul

Thăm vườn thực vật quốc gia Sejong

Hội ý cùng GS.TS. Byung Bae Park Đại học Chung Nam

Nguồn: Phòng HTQT

 


Chia sẻ

Thu hẹp khoảng trống năng lực cho nông nghiệp bền vững: Hành động từ VNUF

8 tháng 5, 2025
Sáng ngày 05/5/2025, Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn về khoảng trống năng lực trong nông nghiệp bền vững”, trong khuôn khổ Dự án quốc tế HARVEST do Nhà trường chủ trì thực hiện gói công việc WP2.

Hội thảo quy tụ đông đảo đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, cơ quan quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Đây là diễn đàn thiết thực để các bên cùng chia sẻ thực trạng, phân tích những thiếu hụt về năng lực trong đào tạo và thực tiễn, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Nhà trường – nhấn mạnh vai trò của Trường Đại học Lâm nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. GS. Điển nêu rõ: "Khoảng trống năng lực không phải là bất biến, mà thay đổi theo thời gian, không gian và đối tượng. Để xác định đúng khoảng trống, cần căn cứ vào mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, đó là sự chênh lệch giữa cái cần có và cái hiện có." Một trong những điểm mấu chốt là cần có bộ công cụ đánh giá phù hợp, giúp đo lường và xác định khoảng trống một cách hệ thống và thực tiễn. GS. Điển cũng nhấn mạnh thêm: "Nhà trường đang đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và đối tác cả trong nước và quốc tế vì tương lai tốt hơn của người học, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng trống trong nông nghiệp bền vững."

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý Đất đai và Phát triển Nông thôn, Chủ nhiệm Dự án HARVEST, đã trình bày bối cảnh hình thành dự án, phân tích các khoảng trống trong chương trình đào tạo hiện hành, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng về nông nghiệp sinh thái. TS. Long đề xuất xây dựng các khóa học ngắn hạn, đồng thời tích hợp nội dung nông nghiệp sinh thái vào các chương trình đại học và cao học.

TS. Đỗ Thị Hường – Điều phối viên dự án, đã trình bày các hoạt động chính mà Trường Đại học Lâm nghiệp đang triển khai: đánh giá khoảng trống năng lực; thiết kế khung năng lực; xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn; tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực; và chuẩn bị thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Nông nghiệp bền vững.PGS.TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đã trình bày tổng quan về nông nghiệp sinh thái, nêu rõ những thách thức hiện nay, cùng các chính sách và mô hình đang được áp dụng tại Việt Nam.

Hai phiên thảo luận nhóm đã diễn ra sôi nổi, tập trung vào ba chủ đề:

1. Khoảng trống năng lực trong đào tạo và thực tiễn;

2. Nhu cầu của thị trường lao động;

3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục về nông nghiệp bền vững.

Các đại biểu chỉ ra những thiếu hụt phổ biến như kỹ năng thực hành, tư duy hệ thống, năng lực đổi mới sáng tạo và làm việc nhóm. Nhiều giải pháp được đề xuất như: phát triển khóa học thực tiễn, lồng ghép nội dung liên ngành, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và hợp tác xã, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số hình ảnh của Hội thảo

GS.TS. Phạm Văn Điển (Hiệu trưởng) phát biểu chào mừng hội thảo

TS. Nguyễn Bá Long – Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT (Chủ nhiệm dự án)

TS. Đỗ Thị Hường (điều phối viên) trình bày tóm tắt dự án Havest

PGS.TS. Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) trình bày báo cáo về nông nghiệp sinh thái

PGS.TS. Bùi Thế Đồi (Phó Hiệu trưởng) phát biểu

PGS.TS. Phùng Văn Khoa (Phó Hiệu trưởng) phát biểu kết luận hội thảo

Ông Trần Mạnh Chiến – CEO hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm – Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam

TS. Trần Thị Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ – Trường Đại học Lâm nghiệp, UV Ban chấp hành Hiệp hội hữu cơ Việt Nam

Nguồn: Phòng HTQT


Chia sẻ

Dự án đang tiến hành

25 tháng 3, 2021

STT

Tên dự án

Thời gian

Tài trợ

Tóm tắt chung về dự án

1

FOREST: Future-ORiented chemistry

2021–2024

Erasmus+ (EU)

Nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng việc làm cho sinh viên ngành hóa học tại Việt Nam và Nga thông qua việc phát triển chương trình Thạc sĩ liên ngành theo chuẩn Bologna, đồng thời tăng cường năng lực cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu. 

2

CLIDEV – Phát triển chương trình Đào tạo biến đổi khí hậu cho Việt Nam

2020–2024

Chính phủ Phần Lan

Tăng cường năng lực giáo dục về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp tại Việt Nam bằng cách hiện đại hóa chương trình đào tạo, phát triển các khóa học trực tuyến (MOOCs) và tài nguyên giáo dục mở (OER), nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho sinh viên. 

3

Khám phá mối liên hệ giữa bọ hung và các loài thú nguy cấp tại Non Nước Cao Bằng

2025

 

Nghiên cứu mối quan hệ giữa bọ hung và các loài thú nguy cấp trong rừng nhiệt đới đá vôi tại Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng, nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.

4

Bảo tồn ba loài mộc lan tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

2024–2025

 

Triển khai các hoạt động bảo tồn ba loài mộc lan đang bị đe dọa tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, miền Bắc Việt Nam.

5

Xây dựng Vườn hữu nghị ASEAN - Hàn Quốc

2024–2025

AFoCO

Thiết lập Vườn hữu nghị ASEAN - Hàn Quốc tại Trường Đại học Lâm nghiệp nhằm tăng cường hợp tác khu vực về lâm nghiệp, thúc đẩy du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

6

Ứng dụng ICT trong quản lý lửa rừng và thích ứng biến đổi khí hậu

2024–2025

Chính phủ Hàn Quốc qua AFoCO

Áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý cháy rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và Campuchia, bao gồm phát triển hệ thống quản lý cháy rừng và nâng cao năng lực cho các bên liên quan.

7

Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững ở vùng đệm VQG Kon Ka Kinh

2023–2025

Trung tâm Đa dạng sinh học Đông Nam Á

Phát triển mô hình sinh kế nông nghiệp bền vững cho cộng đồng sống gần Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện đời sống người dân.

8

Đánh giá và nâng cao năng lực hợp tác xã lâm nghiệp và nông lâm kết hợp (FFPO)

2025

Tổ chức FAO

Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã lâm nghiệp và nông lâm kết hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

9

Thúc đẩy các hệ thống nông lâm kết hợp khí hậu thông minh ở vùng cao

Không ghi rõ

Quỹ Mê Kông Hàn Quốc

Xây dựng và thúc đẩy các hệ thống nông lâm kết hợp thích ứng với khí hậu ở vùng cao nhằm phát triển sinh kế bền vững, bảo tồn đất và đa dạng sinh học trong khu vực sông Mê Kông.

10

HARVEST – Nâng cao năng lực giáo dục về quyền trong nông nghiệp và lương thực

2025

Erasmus+ (EU)

Tăng cường năng lực lãnh đạo trong giáo dục đại học và sau đại học về quyền trong nông nghiệp và lương thực để thúc đẩy sự bền vững môi trường.

11

Hệ thống dữ liệu từ UAV ứng dụng trong quản lý đa dạng sinh học

2023–2025

 

Phát triển hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu từ thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm hỗ trợ quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

 


Chia sẻ